Rất thích khi đọc đến đoạn subsidies fải giở Economics ra xem lại :">
Thứ Bảy, 2/1/2010, 10:05 (GMT+7)
Bài học từ hỗ trợ lãi suất
Đỗ Thiên Anh Tuấn
(TBKTSG) - Bài này đưa ra một cách tiếp cận khác - cách tiếp cận vi mô - để phân tích tính hiệu quả của gói “kích cầu”, chủ yếu là gói hỗ trợ lãi suất 4% vay vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh trong năm 2009. Qua đó cho thấy không phải ngẫu nhiên mà không mấy nước áp dụng mô thức “kích cầu” này.
Mục tiêu chính sách: khoảng cách giữa thực tế và mong muốn
Vấn đề thứ nhất: ai được hưởng lợi 17.000 tỉ đồng?Lẽ đương nhiên, đứng về phương diện mục tiêu chính sách, đó là các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến đã cho rằng chính các ngân hàng cũng hưởng lợi không ít từ chính sách này, liệu có đúng không? Trong khi chính các quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định rằng, các ngân hàng chỉ đóng vai trò cho vay theo mức lãi suất thông thường, sau đó trừ đi 4% lãi suất được hỗ trợ để xác định mức lãi suất thực trả của khách hàng. Quan điểm này cũng giống như ai đó đã từng cho rằng thuế giá trị gia tăng (GTGT), một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu chứ không phải là doanh nghiệp. Thoạt nghe, điều này có vẻ hợp lý nhưng tiếc thay kinh tế học vi mô chỉ ra rằng vấn đề không phải như vậy. Khoản thuế GTGT phải được chia sẻ giữa khách hàng và doanh nghiệp không phải cách này thì là cách khác. Vấn đề trợ cấp cũng tương tự như vậy, có điều hãy xem nó giống như một khoản thuế âm mà thôi.
Như vậy, mong muốn của Chính phủ là chuyển giao phần 17.000 tỉ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ không phải là ngân hàng nhưng do tính chất co dãn của cung và cầu quỹ cho vay mà mục tiêu này không thể đạt được hoàn toàn. Người vay vốn đúng là được hưởng mức lãi suất (rD) thấp hơn mức lãi suất cân bằng (r0) nhưng khoảng chênh lệch đó không phải là 4% như kỳ vọng, trong khi đó ngân hàng sẽ nhận được mức lãi suất thực tế rS cao hơn r0. Đặc biệt, một phần của khoản hỗ trợ sẽ bốc hơi mà không ai được nhận cả.
Vấn đề thứ hai: phân bổ vốn sai đối tượng
Có nhiều nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SMEs) và những hộ nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trong thực tế do những thủ tục vay vốn quá phức tạp và nhiều lý do khác làm cho họ khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, việc cho vay sai đối tượng hoặc cho vay trùng lắp với giá trị hàng ngàn tỉ đồng được NHNN báo cáo cũng chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.
Vấn đề thứ ba: sử dụng vốn sai mục đích và các bong bóng tài sảnNgoài những vấn đề trên thì việc sử dụng vốn sai mục đích cũng là một trong những vấn đề chính làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất. Vấn đề đảo nợ là một ví dụ. Quan điểm của NHNN là không cho phép đảo nợ nhưng thực tế việc đảo nợ được phản ánh là đã và đang diễn ra. Tuy nhiên NHNN cho rằng qua thanh tra họ chưa phát hiện có hiện tượng đảo nợ. Đây có lẽ là tin vui cho doanh nghiệp hơn là cho NHNN.
Bên cạnh đó, một số trục trặc nảy sinh như tình trạng găm giữ ngoại tệ gây áp lực lên tỷ giá, hiện tượng đầu cơ đẩy giá vàng lên cao... liệu có phải được đóng góp một phần từ nguồn lực của gói hỗ trợ lãi suất không? Chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn HOSE và HNX đều có tương quan đồng biến với số dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất trong cùng thời gian, làm nảy sinh một số nghi vấn rằng liệu có vốn kích cầu chảy vào chứng khoán không?
Nếu việc tăng trưởng của chỉ số chứng khoán phản ánh vốn kích cầu đã phát huy tác dụng đối với ít nhất các doanh nghiệp niêm yết thì quả là một thành công đáng mừng, nhưng nếu đây là dấu hiệu của những bong bóng chứng khoán thì thật nguy hiểm. Chi phí kinh tế khi những bong bóng chứng khoán như vậy nổ tung là rất tốn kém. Bài học năm 2007 vẫn còn mới. Không có gì tệ hơn việc lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ để đầu cơ trục lợi trong điều kiện nền kinh tế còn muôn vàn những khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, không thể trách cứ và kêu gọi nhà đầu tư hãy sống bằng lương tâm được, bởi hành vi của họ là duy lý. Thay vào đó, chính phủ phải kết hợp hài hòa giữa những biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để điều chỉnh những hành vi của nhà đầu tư, sửa chữa những thất bại của thị trường.
Tóm lại, gói “kích cầu” thông qua việc hỗ trợ lãi suất được phân tích như một khoản trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp bằng con đường tài khóa. Phân tích mô hình kinh tế vi mô giản đơn cho thấy tự mô thức của gói “kích cầu” đã có trục trặc làm cho đối tượng thụ hưởng chính sách không đạt được hết lợi ích kỳ vọng. Mô hình chứng minh không những nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất mục tiêu mà còn là hệ thống ngân hàng và cả các nhóm ngoài đối tượng hỗ trợ cũng được hưởng lợi. Tất nhiên, nếu đứng ở một góc độ khác là toàn bộ nền kinh tế thì điều này không hẳn là hoàn toàn xấu. Thế nhưng, điều quan trọng liên quan đến cách thức hỗ trợ lãi suất đã tạo ra những mất mát vô ích cho nền kinh tế mà lẽ ra không đáng có trong điều kiện các nguồn lực đang rất hạn hữu như hiện nay.
No comments:
Post a Comment